Hai thủ khoa ĐH tài năng chia sẻ “bí kíp”
Có lẽ “tài năng” là từ chính xác nhất để miêu tả về Kan và Quốc Trung. Một
8X và một 9X, một designer đỉnh cao và một đạo diễn tương lai, họ cùng
đỗ thủ khoa tại 2 trường ĐH về nghệ thuật nổi tiếng của Hà Nội. Đỗ Quốc Trung: “Tin tưởng tuyệt đối vào sự lựa chọn của bản thân”
Đỗ Quốc Trung
SN: 22.11.1990
Thủ khoa chuyên môn với điểm môn Chuyên ngành đạo diễn 16,67 trong kì thi ĐH 2008
Sinh viên năm thứ nhất chuyên ngành Đạo diễn khoa Nghệ thuật điện ảnh, ĐH Sân khấu điện ảnh.
Các dự án đang tham gia:
- Dự án “Chúng ta làm phim 2009” của Trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh – Hội điện ảnh Việt Nam.
- Sản xuất bộ phim “Bộ tứ 10A8” với vai trò trợ lí đạo diễn.
- Thực hiện bộ phim đầu tay “Những tia nắng nhảy múa” |
Bạn đã chuẩn bị ôn thi cho kì thi Đại học năm 2008 như thế nào?
Vì thi khối S nên mình phải thi Văn và môn Năng
khiếu. Hồi đó mình đã đi ôn văn thầy Hưởng tại trường ĐH Dược, rồi xem
và phân tích gần 50 phim trong vòng 1 tháng trước khi thi, tại thư viện
điện ảnh.
Trước khi bước vào kì thi, thực sự mình khá
căng thẳng vì là một trong những thí sinh nhỏ tuổi nhất. Vả lại, không
có ai trong gia đình theo nghệ thuật nên không có kinh nghiệm khi thi
trường nghệ thuật.
Lúc đầu, bố mẹ và chị gái vẫn chưa thực sự tin
tưởng vào sự lựa chọn của mình. Mình quá trẻ để thi đạo diễn. Gia đình
muốn mình thi Luật hoặc Báo chí; nhưng mình đã thuyết phục gia đình tôn
trọng niềm đam mê của con, và cố gắng hết sức để chứng minh mình có thể
làm được.
Điều lo lắng nhất có lẽ là lúc mình phải thi
môn năng khiếu vấn đáp với hội đồng giám khảo - những đạo diễn nổi
tiếng và dày dặn kinh nghiệm.
Kỉ niệm đáng nhớ nhất trong kì thi?
Hôm thi môn Phân tích phim, mình bị đến muộn hơn so
với giờ tập trung. Không tìm được phòng, mình đã phải chạy quanh trường
vài vòng tìm phòng. Lo lắng và cảm giác “đen đủi” làm mình chán kinh
khủng. Lúc ấy mình đã nghĩ mình sẽ làm bài thi rất tệ.
Nhưng khi bắt đầu thi, bộ phim được chiếu lại vào
đúng một trong những bộ phim mình thích nhất trong số 50 phim xem trong
thời gian mình ôn thi. Đó là một bộ phim của điện ảnh Iran, và có lẽ
không nhiều bạn biết đến. Mình đã rú lên trong phòng chiếu, khi màn
hình hiện chữ “Những đứa trẻ thiên đường”, khiến giám thị phải nhắc nhở
là đang ở trong phòng thi. Cảm giác “trúng tủ” lúc ấy có thể nói là
điều tuyệt vời nhất và đáng nhớ nhất trong kì thi lần ấy.
Bí quyết đỗ thủ khoa?
Năng khiếu là một phần quan trọng. Nhưng thêm vào
đó, bạn hãy biến bài thi viết và phần thi vấn đáp của mình trở nên nổi
bật, độc đáo và khác biệt so với hàng trăm, hàng nghìn bài viết khác.
Điều đó đồng nghĩa với việc bạn đi trên dây, nếu thắng bạn sẽ được
những tràng pháo tay lớn và nếu ngã bạn sẽ mất tất cả.
Lượng sức mình, nếu có khả năng hãy bản lĩnh chọn
phương án ấn tượng, còn không, hãy nhớ điều quạn trọng nhất vẫn là đỗ
đại học chứ không phải thủ khoa. Hãy thử sức thể hiện cái Tôi của mình
khi bạn cảm thấy chắc chắn về khả năng.
Bạn có chia sẻ kinh nghiệm gì với những “sĩ tử 9X” năm nay không?
Các trường năng khiếu có một đặc điểm rất quan trọng
là thí sinh cần chuẩn bị thật tốt tâm lí chiến khi bước vào thi trực
tiếp với Ban giám khảo. Các bạn hãy cố gắng thể hiện hết khả năng của
mình. Nếu bị phản biện, hãy bảo vệ quan điểm riêng của mình một cách
khéo léo, bởi điều đó thể hiện lập trường và bản lĩnh của bạn, nhưng
cũng không quá cực đoan. Điều rất quan trọng khi học nghệ thuật.
Trước ngày thi nên đi chùa cầu may, có thể bạn không
mê tín, nhưng điều này khiến bạn khuây khỏa, thanh thản sau những ngày
học tăng tốc cật lực. Đây cũng chính là thời gian nghỉ ngơi, thả lỏng
trước khi bước vào trận đấu. Suốt 3 ngày thi chính mình đều mất ngủ vì
quá lo lắng và đặt mục tiêu hơi quá sức với bản thân. Vì vậy hãy bình
tĩnh, tự tin và giữ sức khỏe trong thời gian thi.
Và lời khuyên cuối cùng mà mình chia sẻ với những tân sinh viên năm nay là: Áp
lực lớn nhất vẫn từ phía bản thân mình chứ không phải sự kì vọng của
gia đình hay cái nhìn của bạn bè, hãy tin tưởng tuyệt đối vào sự chuẩn
bị và lựa chọn của bản thân. Chúc các bạn thành công với lựa chọn của
mình.
Kan: “Dù kết quả có ra sao, các bạn hãy cố gắng hết sức mình”
Nguyễn Tuấn Khang
SN: 23.11.1985
Thủ khoa chuyên môn Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội trong kì thi 2004
SV vừa tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội
Designer của một số tờ báo và nhà xuất bản
Chuẩn bị cho ra mắt một cửa hàng bánh Crepes ở Hà Nội |
Được biết rằng năm đầu Kan thi trượt, nhưng khi thi lại năm sau thì bạn đã đỗ thủ khoa. Điều gì đã giúp Kan vượt qua?
Trượt Đại Học một năm thì đương nhiên là không ai
vui rồi. Buồn và thất vọng là đằng khác, thấy các bạn cùng lớp cấp 3
vào đại học hay cao đẳng hết, mình chỉ ngồi ở nhà, lại cộng thêm cái
nhìn của hàng xóm nữa chứ. Thực sự thì không thể kể ra hết được sự xấu
hổ hay tủi thân được. Mọi thứ cứ như thể quay lại chống đối mình vậy.
Cho đến tận bây giờ, mình vẫn không hiểu tại sao lại vượt qua được,
chỉ biết là cứ cắm mặt vào mà học thôi. Cả một năm đấy coi như khỏi đi
chơi đâu cả, mối quan hệ bạn bè dẹp sang một bên hết. Và không thể
không nhắc đến sự động viên từ gia đình . bố mẹ và em gái đã tạo điều
kiện hết mức để học hành.
Thi lại vào năm sau, Kan đã lên kế hoạch cho việc học tập như thế nào?
Buồn cười ở chỗ học hành lúc đấy thì lại chả căng thẳng hay áp lực
gì cả, vì mình không còn học ở trường, không bị thúc dục làm bài và
không bị điểm số làm lo lắng. Lúc đầu vẫn còn hơi “nản”, thế nên chưa
đề ra kế hoạch gì cả. Mình chưa biết điểm dừng ở đâu, mới chỉ nghĩ
rằng“nếu có chơi một tí chắc cũng chả chết ai”, thêm cả việc đang chán
đời nữa, thế là đâm đâu vào chơi
Cũng may là về sau “tỉnh” kịp, trượt một năm đâm ra sợ rồi. Có thằng
bạn cứ kêu bên tai "năm nay mà không đỗ nữa thì nhục". Vậy là cong đuôi
lên mà học thôi!
Bí quyết đỗ thủ khoa?
Thực ra là chẳng có bí quyết gì cả. Khi biết tin đỗ
thủ khoa chuyên môn, mình cũng bất ngờ như bao nhiêu người thôi. Lúc ấy
mình không dám tin là mình đã làm được thế, và hình như là cũng chẳng
có ai quanh mình là tin mình làm được thế.
Đơn giản là cứ cố gắng mà học thôi. Sau một thời
gian vật vã mới hiểu được cái sự “học cho mình chứ học cho ai!”, mình
học vì mình chứ không còn vì bố mẹ hay ai đó nữa. Có lẽ chính điều này
đã giúp mình có động lực để học tốt hơn, và giành được kết quả như mong
muốn.
Hôm đi thi vẽ, mẹ mình xem sách tử vi thấy bảo mình
hợp với màu trắng và màu vàng, thế là bắt mình phải sơn trắng lại cái
giá vẽ và mặc áo vàng. He he, không biết có phải vì điều này nên đã đem
lại một chút may mắn cho mình trong kì thi không (cười!)
Lời khuyên dành cho các bạn trước lúc đi thi?
Em gái mình cũng sinh năm 91 và năm nay cũng thi Đại
học. Mình không có lời khuyên gì ghê gớm cả, chỉ mong các em nghiệm ra
một điều là học đẻ tốt cho mình chứ không phải cho ai khác.
Thực ra không phải cứ vào Đại học đã là chắc chắn
100% các em sẽ có công ăn việc làm hay là thành đạt hơn những người
không vào, nhưng nó mở ra cho các em nhiều cơ hội hơn hẳn. Hiển nhiên,
có học thì có hơn. Thế nên, nếu như các em có khả năng và có đủ sức,
thì hãy cố gắng hết mình để có được kết quả tốt nhất.
Dù kết quả có ra sao, miễn bản thân các em thấy mình đã cố gắng hết sức, thế là đủ! Chúc các em có một kỳ thi tốt!